ĐIỀU TRỊ METHADONE CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT

ĐIỀU TRỊ METHADONE CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT

1. Người nghiện CDTP mang thai hoặc cho con bú

a) Người nghiện CDTP mang thai

Không có chống chỉ định điều trị bằng methadone để đảm bảo quá trình mang thai bình thường. Những phụ nữ đang điều trị methadone mà có thai, vẫn tiếp tục duy trì điều trị bằng methadone. 

Lợi ích của việc điều trị methadone cho phụ nữ mang thai:

  • Methadone làm giảm hội chứng cai cho nên giảm nguy cơ sẩy thai trong 3 tháng đầu, nguy cơ suy thai, đẻ non hay thai chết lưu trong 3 tháng cuối – Giảm nguy cơ tiền sản giật và băng huyết.
  • Giảm nguy cơ thai chậm phát triển.
  • Giúp các bà mẹ tiếp cận với các cơ sở sản khoa để chăm sóc trước và sau khi sinh.

Những lưu ý trong điều trị methadone cho phụ nữ mang thai:

  • Ổn định liều methadone ở mức độ phù hợp đủ để làm giảm nguy cơ sử dụng CDTP khác.
  • Duy trì liều ở mức độ phù hợp để người bệnh cảm thấy thoải mái, tránh xuất hiện hội chứng cai trong quá trình mang thai. Không nên giảm liều trong quá trình mang thai vì sẽ làm xuất hiện hội chứng cai do đó sẽ tăng nguy cơ sẩy thai, thai không phát triển, đẻ non hoặc thai chết lưu. 
  • Trong quá trình mang thai, do tăng chuyển hóa methadone nên có biểu hiện thiếu liều, vì vậy cần tăng liều methadone để tránh xuất hiện hội chứng cai, nhất là trong 3 tháng cuối (nếu cần, có thể chia liều methadone thành 2 lần trong 1 ngày). Sau khi sinh 2–3 ngày thì giảm liều methadone cho phù hợp và duy trì liều này trong 2-3 tháng tiếp theo. Sau đó có thể cân nhắc việc tiếp tục giảm liều.
  • Cần đánh giá việc người bệnh đồng thời sử dụng các chất gây nghiện khác (thuốc lá, rượu, benzodiazepines) làm ảnh hưởng đến quá trình mang thai của người bệnh. 
  • Phối hợp với cơ sở sản khoa để chăm sóc và hỗ trợ người bệnh trong quá trình mang thai, chăm sóc trước sinh và sau sinh. Khoảng 1/3 trẻ sinh ra từ bà mẹ đang điều trị methadone có xuất hiện hội chứng cai theo các mức độ nặng nhẹ khác nhau trong tuần đầu sau khi sinh. Cần phối hợp với bác sĩ nhi khoa để xử trí.  

b) Người bệnh đang trong thời kỳ cho con bú

  • Sữa mẹ chỉ chứa một lượng rất nhỏ methadone do đó nên động viên bà mẹ cho con bú để tránh xuất hiện hội chứng cai ở trẻ sơ sinh và để tăng cường sự gắn bó về tình cảm giữa mẹ và trẻ. 
  • Khi cai sữa người mẹ đang uống methadone liều cao cần được tư vấn cai sữa từ từ để tránh xuất hiện hội chứng cai cho trẻ.
  • Trong trường hợp người mẹ nhiễm HIV cần được tư vấn bác sỹ chuyên khoa HIV/AIDS về việc cho con bú. Nên sử dụng sữa ngoài để thay thế. 

2. Người nghiện CDTP nhiễm HIV

Người nghiện CDTP nhiễm HIV được điều trị thay thế bằng thuốc methadone

  1. Bác sĩ điều trị methadone cần đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các dịch vụ chăm sóc y tế, tâm lý, xã hội khác.  
  2. Phải lưu ý phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng cơ hội đặc biệt là Lao và nấm để phối hợp điều trị kịp thời.
  • Một số thuốc có tương tác với methadone do đó cần điều chỉnh liều methadone thích hợp với người bệnh đang điều trị thuốc ARV, thuốc điều trị Lao, nấm… Nếu bác sĩ không nắm được tình hình sử dụng các thuốc có tương tác với methadone để điều chỉnh liều methadone, thì có thể sẽ xảy ra tình trạng ngộ độc methadone hoặc có hội chứng cai ở người bệnh (tham khảo Phụ lục I ban hành kèm theo Hướng dẫn này).
  • Bác sĩ cơ sở điều trị methadone phải liên hệ thường xuyên với bác sĩ điều trị ARV, Lao, nấm … để hỗ trợ người bệnh tuân thủ đúng quy định điều trị methadone và các bệnh nói trên.

3. Người nghiện CDTP mắc bệnh Lao, nấm

Người nghiện CDTP mắc bệnh Lao, nấm được điều trị thay thế bằng thuốc methadone 

  1. Người bệnh phải được điều trị theo phác đồ do Bộ Y tế ban hành. 
  2. Trong quá trình điều trị phải lưu ý tương tác giữa thuốc điều trị lao, nấm với methadone (tham khảo Phụ lục I ban hành kèm theo Hướng dẫn này).

4. Người nghiện CDTP bị viêm gan B, C và các nguyên nhân khác

Người nghiện CDTP bị viêm gan B, C và tổn thương chức năng gan do các nguyên nhân khác được điều trị thay thế bằng thuốc methadone

a) Người bệnh bị viêm gan B và C

  • Trong quá trình điều trị, khi có điều kiện hoặc khi người bệnh có dấu hiệu lâm sàng, cần xét nghiệm vi rút viêm gan B, C và chức năng gan. Nếu xét nghiệm viêm gan dương tính, bác sỹ cần khuyên người bệnh không nên uống rượu, bia và đồ uống có cồn.
  • Nếu người bệnh có biểu hiện viêm gan cấp tính hoặc tăng men gan (thường tăng trên 2,5 lần so với bình thường) cần được khám chuyên khoa để đánh giá, theo dõi và điều trị hỗ trợ. Nếu bệnh gan nặng bác sĩ cân nhắc điều chỉnh liều hoặc chia liều methadone. 
  • Nếu có điều kiện, tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho người bệnh chưa nhiễm viêm gan B. 

b) Người bệnh có tổn thương chức năng gan do các nguyên nhân khác

Nếu người bệnh bị suy giảm chức năng gan nhiều thì phải điều chỉnh liều methadone cho thích hợp. Nếu suy chức năng gan nặng bác sĩ cân nhắc giảm liều hoặc ngừng methadone. 

5. Người bệnh đồng thời bị bệnh tâm thần

  1. Trong quá trình điều trị mà phát hiện thấy người bệnh có các rối loạn tâm thần nhẹ (trầm cảm và lo lắng) thì cần tăng cường tư vấn và hỗ trợ về mặt tâm lý, xã hội cho người bệnh. Trong trường hợp cần thiết nên mời hội chẩn với chuyên khoa tâm thần. 
  2. Nếu người bệnh có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, phải hội chẩn với chuyên khoa tâm thần. Nên cố gắng để người bệnh được tiếp tục điều trị methadone trong khi điều trị bệnh tâm thần vì ngừng methadone sẽ làm cho rối loạn tâm thần và hành vi nặng thêm. 
  3. Trong trường hợp người bệnh rối loạn tâm thần nặng phải ngừng uống methadone, bác sĩ nên cho người bệnh uống lại methadone ngay sau khi bệnh ổn định.
  4. Lưu ý sự tương tác giữa thuốc methadone và một số thuốc điều trị tâm thần (tham khảo Phụ lục I ban hành kèm theo Hướng dẫn này). 

GIẢM LIỀU TIẾN TỚI NGỪNG ĐIỀU TRỊ METHADONE

1. Giảm liều

Sau một thời gian điều trị methadone (ít nhất là 1 năm), nếu người bệnh đã ổn định và mong muốn ngừng điều trị, cơ sở điều trị có thể tiến hành quy trình ngừng điều trị như sau:

  1. Đánh giá về khả năng ngừng điều trị methadone của người bệnh: liều điều trị, tình hình sử dụng các CDTP khác, tính ổn định về tâm lý xã hội và sự hỗ trợ của gia đình. 
  2. Cơ sở điều trị thảo luận với người bệnh để lập kế hoạch giảm liều tiến tới ngừng điều trị methadone. 
  • Quy trình giảm liều: 
  • Mỗi lần giảm liều phải cách nhau ít nhất 2 tuần. 
  • Liều methadone giảm tối đa trong 1 lần không vượt quá 10% liều đang sử dụng.
  • Lượng methadone giảm đi mỗi lần càng thấp, thời gian giảm liều càng dài thì hiệu quả thành công càng cao và giúp giảm nguy cơ tái nghiện. 
  • Khi liều methadone giảm tới 20mg/ngày là giai đoạn khó khăn nhất đối với người bệnh do đó tốc độ giảm liều cần phải chậm hơn.

Lưu ý: Trong quá trình giảm liều, nếu người bệnh gặp phải những khó khăn không thể thích ứng được, bác sỹ điều trị có thể xem xét lại liều điều trị methadone cho bệnh nhân: 

  • Tăng liều methadone điều trị cho bệnh nhân đến khi đạt liều phù hợp (Thực hiện theo đúng quy trình tăng liều).
  • Giữ nguyên liều methadone đang điều trị và theo dõi đến khi bệnh nhân sẵn sàng tiếp tục giảm liều. 

2. Ngừng điều trị 

a) Ngừng điều trị tự nguyện:

  • Sau một thời gian giảm liều, có thể ngừng hoàn toàn methadone. 
  • Cần thực hiện các chăm sóc y tế và hỗ trợ tâm lý xã hội ít nhất trong 06 tháng sau khi ngừng điều trị methadone. 

b) Ngừng điều trị bắt buộc: 

  • Khi người bệnh xuất hiện các tình huống chống chỉ định với thuốc methadone (hiếm gặp).
  • Người bệnh không tuân thủ quy định chuyên môn của cơ sở điều trị, vi phạm nội quy của cơ sở điều trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của nhân viên y tế cũng như an ninh tại cơ sở điều trị (đánh nhau, ăn cắp, buôn bán và sử dụng ma túy tại cơ sở điều trị, gây gổ và hành hung nhân viên công tác tại cơ sở điều trị).

c) Điều trị lại methadone:

Một số người bệnh khi ngừng điều trị methadone có thể tăng thèm nhớ và có nguy cơ sử dụng lại heroin. Đối với những người bệnh này cần được điều trị lại methadone càng sớm càng tốt, trong một số trường hợp việc điều trị lại có thể tiến hành khi họ chưa sử dụng lại heroin. Quy trình điều trị lại thực hiện như điều trị cho người bệnh mới.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trung tâm tư vấn hỗ trợ và hướng dẫn cai nghiện ma túy tại nhà

Hotline: 0869065421 – 0869191080

Website: Heantos4.com

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *