Mục lục
ĐỊNH NGHĨA
Methadone là một chất đồng vận với các chất dạng thuốc phiện (CDTP), tác động chủ yếu trên các thụ thể muy (µ) ở não. Tương tự như các CDTP khác, methadone có tác dụng giảm đau, giảm ho, yên dịu, giảm hô hấp và gây nghiện nhưng gây khoái cảm yếu.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
1. Hấp thu
- Methadone được hấp thu hoàn toàn và nhanh chóng qua đường uống (Methadone được hấp thu khoảng 90% qua đường uống).
- Tác dụng khoảng 30 phút sau khi uống và đạt nồng độ tối đa trong máu sau
khoảng 3-4 giờ.
- Thời gian đạt nồng độ ổn định trong máu khoảng 3-5 ngày sau mỗi lần thay
đổi liều điều trị.
2. Phân bố
- Methadone liên kết với albumine, protein huyết tương khác và các mô (đặc biệt là phổi, gan, thận). Do vậy, methadone có hiệu quả tích lũy và tốc độ thải trừ chậm (tỷ lệ gắn kết protein huyết tương từ 60-90%). Methadone đi qua hàng rào rau thai và bài tiết qua sữa.
- Thời gian bán hủy trung bình 24 giờ.
- Đặc tính dược động học của methadone thay đổi theo từng người nghiện.
3. Chuyển hoá
- Chuyển hóa chủ yếu ở gan thông qua men cytochrome P450.
- Chất chuyển hóa của methadone không có tác dụng.
4. Thải trừ
- Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, ngoài ra còn qua phân, mồ hôi và nước bọt.
- Độ thanh thải ở thận giảm khi pH nước tiểu tăng.
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN
Các tác dụng không mong muốn:
Các tác dụng không mong muốn phổ biến của methadone bao gồm táo bón, khô miệng và tăng tiết mồ hôi.
Các triệu chứng: rối loạn giấc ngủ, buồn nôn, nôn, giãn mạch và gây ngứa, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, chứng vú to ở đàn ông, rối loạn chức năng tình dục, giữ nước, tăng cân ít gặp hơn và có thể không liên quan đến methadone.
- Hầu hết những người nghiện CDTP có ít tác dụng không mong muốn, tuy nhiên triệu chứng táo bón, rối loạn chức năng tình dục, tăng tiết mồ hôi, có thể vẫn tồn tại trong quá trình điều trị.
TƯƠNG TÁC THUỐC
Nhiều người bệnh đang điều trị methadone đồng thời đang được điều trị HIV/AIDS hoặc các bệnh lý khác kèm theo, do vậy cần lưu ý đặc biệt đến các tương tác giữa thuốc methadone với các thuốc khác như: thuốc kháng Retrovirus (ARV), thuốc điều trị lao, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, thuốc an thần, gây ngủ, thuốc giảm đau các loại. Tương tác giữa thuốc methadone với những thuốc tác động vào hệ thống men cytochrome P450 (CYP450) có thể dẫn tới:
- Giảm hiệu quả của liệu pháp điều trị duy trì bằng methadone.
- Giảm hiệu quả của liệu pháp điều trị ARV.
- Ngộ độc và các tác dụng không mong muốn.
- Giảm tuân thủ điều trị.
- Việc tiên lượng trước những tương tác có thể xảy ra giữa thuốc methadone và các thuốc khác là rất quan trọng giúp quyết định đổi loại thuốc hoặc thay đổi liều methadone khi cần thiết.
- Các thuốc có tương tác với thuốc methadone có thể làm tăng hoặc giảm chuyển hóa
- Các thuốc kích thích hệ thống CYP3A có thể gây tăng chuyển hóa methadone do vậy làm giảm nồng độ methadone trong máu, hậu quả là xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cai. Những thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Efavirenz (EFV), Nevirapine (NVP), Lopinavir/Ritonavir (LPV/R), Ritonavir (RTV), Rifampicine, Phenobarbital, Carbamazepine, Phenytoin.
- Các thuốc ức chế hệ thống CYP3A có thể làm giảm chuyển hóa methadone do vậy làm tăng nồng độ methadone trong máu, hậu quả là xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc methadone. Các thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Fluconazole, Itraconazole, Ketoconazole, Ciprofloxacine, Fluvoxamine (SSRI), Sertraline (SSRI). Mặc dù có thể gây tăng nồng độ methadone trong máu sau khi sử dụng các loại thuốc này nhưng rất hiếm khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như buồn ngủ.
- Methadone có thể làm thay đổi nồng độ một số thuốc khác trong máu và là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc (ví dụ như AZT, IMAO và thuốc chống trầm cảm ba vòng). Methadone cũng có thể làm giảm nồng độ một số thuốc trong máu và là nguyên nhân dẫn đến thiếu liều thuốc (ví dụ như DDI). Ngộ độc AZT có thể biểu hiện giống như các dấu hiệu của hội chứng cai.
Nguyên tắc xử trí tương tác thuốc
- Luôn hỏi người bệnh về những loại thuốc họ đang sử dụng kèm theo với thuốc methadone.
- Tiên lượng các tương tác thuốc có thể xảy ra, cần lưu ý các loại thuốc có tương tác với methadone (xem chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Hướng dẫn này). Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc có tương tác với thuốc methadone. Khi có thể, nên dùng các loại thuốc không có tương tác với methadone.
- Sự tương tác thuốc là rất khác nhau ở mỗi người bệnh do vậy rất khó để dự đoán về mức độ và thời gian tương tác để quyết định thay đổi liều thích hợp. Khi điều chỉnh liều methadone nên dựa trên đáp ứng lâm sàng của người bệnh hơn là dựa trên dự đoán về các tương tác có thể xảy ra.
- Không nên bắt đầu liệu pháp điều trị bằng thuốc khác (lao, ARV) trong giai đoạn khởi liều methadone (2 tuần đầu) để tránh sự nhầm lẫn giữa ngộ độc, tác dụng không mong muốn và các tương tác thuốc có thể xảy ra. Các trường hợp bệnh nhân đang mắc các rối loạn tâm thần, cần bắt đầu điều trị rối loạn tâm thần càng sớm càng tốt.
b) Phải quan sát và theo dõi chặt chẽ người bệnh đang điều trị methadone mà sử dụng đồng thời những thuốc có tương tác với methadone để phát hiện và xử trí kịp thời.
- Phải cập nhật và ghi hồ sơ đầy đủ tất cả những thuốc mà người bệnh đang sử dụng: chẩn đoán, tên thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng, cơ sở điều trị cho chỉ định (kể cả thuốc bệnh nhân tự mua), tương tác thuốc và cách xử trí để theo dõi và tổng hợp.
CHỈ ĐỊNH
Điều trị thay thế nghiện các CDTP bất hợp pháp.
- CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Dị ứng với methadone và các tá dược của thuốc.
- Các bệnh gan nặng, bệnh gan mất bù.
- Suy hô hấp nặng, hen cấp tính, chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ, viêm loét đại tràng, co thắt đường tiết niệu và đường mật.
- Các rối loạn tâm thần nặng mà chưa được điều trị ổn định: tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát.
- Đang điều trị bằng thuốc đồng vận, đối vận, hoặc vừa đồng vận vừa đối vận với CDTP (LAAM, naltrexone, buprenorphine).
THẬN TRỌNG
Thận trọng khi chỉ định cho các đối tượng sau:
- Người bệnh nghiện nhiều loại ma túy.
- Người bệnh nghiện rượu.
- Người bệnh sử dụng đồng thời các thuốc gây tương tác thuốc.
- Người bệnh có tiền sử sử dụng naltrexone.
- Người bệnh tâm thần đang sử dụng các thuốc hướng thần.
- Người bệnh đau mạn tính, hen phế quản, suy thượng thận, suy giáp, phì đại tuyến tiền liệt, đái tháo đường.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Trung tâm tư vấn hỗ trợ và hướng dẫn cai nghiện ma túy tại nhà
Hotline: 0869065421 – 0869191080
Website: Heantos4.com